Sento – Nhà tắm công cộng

sento1
Sentō (銭湯?) là một kiểu nhà tắm công cộng ở Nhật Bản, nơi khách hàng phải trả tiền để được vào tắm. Theo kiểu truyền thống thì nhà tắm là một căn phòng lớn được ngăn đôi thành hai gian nhỏ dành cho nam và nữ bởi một hàng rào cao. Cả hai gian phòng nhỏ này đều có hàng dài những vòi nước và một bể tắm lớn, nơi bạn có thể ngâm mình trong nước nóng cùng với những người khác. Từ nửa cuối thế kỉ XX, số lượng nhà tắm công cộng đã giảm đáng kể, do những bồn tắm tại gia càng ngày càng được phổ biến hơn. Một số người Nhật đến Sento vì nhận thấy tầm quan trọng và tính xã hội khi đi tắm tại các nhà tắm công cộng, nó mang đến sự gần gũi, tình cảm hơn trong mối quan hệ giữa người và người. Còn một số người khác chỉ đơn giản vì điều kiện hoàn cảnh, ngôi nhà của họ quá nhỏ hay không có phòng tắm riêng. Hoặc có thể họ thích được tắm trong căn phòng rộng lớn, thoải mái.

Một biến thể khác của nhà tắm công cộng là Onsen, thường có ở những nơi gần suối nước nóng tự nhiên. Sento có thể được gọi là Onsen nếu nguồn nước mà Sento đó sử dụng là nguồn khoáng nóng tự nhiên.

KIẾN TRÚC ĐẶC TRƯNG
Cổng vào
S

ento, hay nhà tắm công cộng Nhật Bản có thể được bài trí theo nhiều kiểu khác nhau. Trong đó, kiểu truyền thống nhất trông giống như hình trên. Nhìn bề ngoài, trông cửa vào Sento hao hao giống cửa đền, với một tấm màn Nhật Bản (暖簾, noren) treo ngang cửa. Tấm màn này thường có màu xanh dương, bên trên có chữ Kanji湯 (yu, nước nóng) hoặc chữ hiragana ゆ đồng nghĩa như vậy. Ngay sau cửa ra vào là khu vực để giày dép, rồi đến hai tấm màn hoặc hai cánh cửa hai bên. Đằng sau tấm màn (hoặc cánh cửa) ấy là Datsuijo (脱衣場, phòng thay đồ), hay còn được gọi là Datsuiba. Nhìn chung, phòng thay đồ của đàn ông và phụ nữ có kết cấu giống nhau, chỉ có một vài tiểu tiết nhỏ nhặt là hơi khác mà thôi.

Phòng thay đồ
Nhà tắm công cộng Nhật Bản thường có hai loại cửa vào. Một loại có nhiều bàn ghế, nơi người phụ trách ngồi làm việc phía trước, nên gọi là loại “trước”. Còn loại cửa vào còn lại theo kiểu Bandai. Ở Tokyo, 660 Sento thiết kế theo kiểu “trước”, và 315 Sento vẫn giữ được kiểu Bandai truyền thống.

Ở giữa những lối vào là Bandai, nơi khách hàng ngồi. Bandai thường là một khoảng hình chữ nhậthoặc hình móng ngựa với lan can cao khoảng 1.5 – 1.8m. Phía trên Bandai thường có một cái đồng hồ lớn. Trước Bandai thường có một cửa, chỉ dành cho khách. Phòng thay đồ có kích thước khoảng 10mx10m, sàn nhà thường trải tatami, và có các tủ đồ để quần áo. Thông thừơng, trong chiếc tủ đó cũng dùng để giữ đồ dùng của các khách quen.

Trần nhà khá cao, vào khoảng 3 – 4m. Trong khi đó, bức tường ngăn giữa phòng thay đồ nam và nữ chỉ cao khoảng 2m. Các phòng thay đồ cũng thường nằm gần một khu vườn Nhật Bản thu nhỏ với một cái ao nhỏ, cũng như nằm gần khu nhà vệ sinh kiểu Nhật Bản. Ở đây có khá nhiều bàn ghế, thậm chí còn có cả ghế Massage và một cái cân nho nhỏ để đo trọng lượng cơ thể (đôi khi còn có loại đo cả chiều cao). Đôi khi các doanh nghiệp địa phương cũng đặt các biển quảng cáo ở Sento.

Trong phòng thay đồ nữ có cả giường cho trẻ con và nhiều gương hơn phòng thay đồ nam. Nước uống cũng được phục vụ rất tận tình. Các thức uống chứa sữa, thức uống truyền thống và kem là những thứ được ưa chuộng nhất.
Khu vực tắm được ngăn cách với phòng thay đồ bởi một cánh cửa kéo, cốt để tránh hơi nước bay hơi từ phòng tắm. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ đối với những phòng tắm công cộng ở vùng Okinawa, vì nơi đây vốn nóng quanh năm. Vậy nên, các phòng tắm vùng Okinawa thường không có cánh cửa ngăn giữa phòng tắm và phòng thay đồ. Các phòng tắm đều được lát gạch. Bạn có thể lấy xô và các vật dụng cần thiết ngay gần cửa vào. Dọc theo bức tường là một dãy dài gồm nhiều vòi hoa sen, hai bên là hai vòi nước (karan, カラン, từ biến thể của Kraan – tiếng Hà Lan nghĩa là vòi nước), một vòi nước nóng và một vòi nước lạnh. Cuối căn phòng là những bể tắm, thường có khoảng hai hay ba cái với nhiệt độ nước khác nhau. Đôi khi, Sento còn sử dụng cả ‘denki foro’ (bồn tắm điện). Đối với vùng Osaka và Kansai, các bồn tắm được bài trí giữa căn phòng, trong khi ở Tokyo, chúng được đặt cuối phòng. Tường ngăn cách phòng tắm nam nữ chỉ cao 2m, còn trần nhà cao đến 4m, với nhiều cửa sổ ở phía trên. Ngày trước, trên bức tường ngăn cách này người ta đục khá nhiều lỗ, cốt để người trong gia đình có thể truyền tay nhau lần lượt sử dụng xà bông. Thế nhưng, ngày nay, khi ai cũng có cho mình một bánh xà bông riêng, những cái lỗ này đã đi vào dĩ vãng, nó chỉ còn tồn tại trong một số ít Sento mà thôi.

Trên bức tường ở cuối phòng là những bức tranh gốm. Hầu hết các Sento đều trang trí bằng tranh núi Fuji (núi Phú Sĩ) như hình dưới đây, nhưng cũng có khi được trang trí bằng tranh vẽ những danh lam thắng cảnh Nhật Bản và Châu Âu, có khi là cảnh sông hoặc cảnh biển. Hiếm hơn chút nữa là hình ảnh những chiến binh hoặc ngay cả hình phụ nữ khoả thân ở phòng tắm nam. Còn phòng tắm nữ thường được trang trí bởi tranh những đứa trẻ đang chơi đùa hoặc hình những phụ nữ đẹp.

Lò hơi: Ngay sau khu vực tắm và căn phòng có chứa lò hơi (釜場, kamaba), nơi giữ nhiệt cho toàn bộ nước tắm. Lò hơi có thể sử dụng nhiên liệu là xăng, điện hoặc củi. Nhờ các ống khói cao từ lò hơi mà người đi đường có thể nhận biết được là có Sento ở gần đấy.

Xông hơi: Một số sento hiện đại còn có cả dịch vụ tắm hơi với bồn nước lạnh ở ngay bên ngoài để bạn có thể ngâm mình sau thời gian xông hơi. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là bạn cần phải trả thêm phụ phí nếu muốn sử dụng dịch vụ này.

PHONG TỤC

Phần này mô tả những phong tục đơn giản khi sử dụng Sento.

  • Trang thiết bị

Khi tắm tại một Sento công cộng, bạn cần mang theo một cái khăn nhỏ và xà bông/ dầu gội đầu. Ở đây người ta cũng bán những đồ dùng ấy với mức giá từ 100 – 200 yen. Có nhiều người mang theo đến hai cái khăn; một chiếc để lau khô người còn một chiếc dùng lúc tắm. Các sản phẩm vệ sinh khác hay được mang theo là đá kì, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, dao cạo râu, mũ tắm, đồ trang điểm, phấn, kem dưỡng da,… Một số khách hàng quen được quyền để những đồ dùng đó cố định trong ngăn tủ ở phòng thay đồ, mỗi khi đến tắm họ chỉ cần mở ngăn tủ của mình và lấy những dụng cụ cá nhân đó để sử dụng.

  • Lối vào

Phong tục của người Nhật Bản là phải cởi giày dép khi bước vào nhà. Tại Sento cũng vậy, bạn phải cởi giày và để trong những tủ đựng giày dép trước khi bước vào khu vực tắm. Sau đó, khách hàng sẽ đi qua một trong hai cánh cửa tuỳ theo giới tính. Trên cửa phòng dành cho nam giới thường có màu xanh nhạt và chữ kanji (男, otoko), nghĩa là đàn ông, còn cửa phòng dành cho nữ giới thì có màu đỏ và chữ kanji (女, onna),chỉ phụ nữ. Tất cả các Sento ở Tokyo đều lấy giá vé 450yen. Ngoài ra, người ta còn bán thêm các sản phẩm khác như khăn tắm, dầu gội, xà bông, dao cạo, lược chải tóc…

  • Khu vực tắm

Tại các Onsen (các suối nước nóng),trong nước có kèm các khoáng chất nên sau khi tắm, người ta không tắm lại bằng nước vòi sen. Nhưng tại các Sento thông thường, người ta vẫn tắm lại lần nữa bằng nước máy từ vòi sen.

XÃ HỘI – VĂN HÓA

  • Nhòm trộm và những rắc rối.

Trong nhiều Sento, có những người phục vụ ngồi trên Bandai, nơi có thể nhìn rõ cả phòng tắm nam và phòng tắm nữ. Hầu hết những người phục vụ đều là phụ nữ, và khách hàng nữ cảm thấy xấu hổ và không an tâm khi họ nằm trong tầm mắt của những nam phục vụ.

Trẻ em có thể đi theo ba hoặc mẹ vào các phòng tắm khác giới tính với mình, ví dụ như một cậu bé có thể theo mẹ vào phòng tắm nữ. Độ tuổi giới hạn cho ngoại lệ này ở Tokyo là 10 tuổi.

  • Phong tục

Nhà tắm công cộng Nhật Bản là một nơi những người không thông thạo dễ làm khách hàng quen thuộc các cảm thấy khó chịu khi không tuân theo những nguyên tắc truyền thống như không tắm sơ qua trước lúc ngâm mình trong bồn hay cho xà phòng vào bồn tắm chung,… Trước mỗi Sento đều có các tấm bảng ghi rõ quy định khi tắm bằng tiếng Nhật và cả tiếng nước ngoài cho những khách du lịch quốc tế.

Ở Hokkaido, nơi có nhiều người Nga đến để đánh bắt cá, thường gặp nhiều vấn đề phát sinh với những thuỷ thủ Nga uống rượu say và không thèm tuân thủ những quy định trên. Vì vậy, một số nhà tắm công cộng không cho phép người nước ngoài đến tắm.

  • Vết xăm

Những người xăm mình thường không được hoan nghênh trong các Sento, thế nhưng họ vẫn có thể được cho phép vào đây, với điều kiện vết xăm của họ không rõ. Những Sento thuộc sở hữu của nhà nước thì tuyệt đối cấm những người xăm mình, nguyên nhân là để tránh tiếp xúc với băng đảng Yakuza, hay những thành viên của băng nhóm tội phạm khác.

  • Vệ sinh

Nhiều nhà tắm công cộng ở Nhật Bản có vi khuẩn Legionella nguy hiểm sinh sống trong các bồn nước tắm. Để ngăn chặn, người ta đã cho thêm Clo vào nước tắm.

 
LỊCH SỪ

  • Thời kì Nara đến thời kì Kamakura.

Từ thời Nara đến Kamakura, Sen to được định nghĩa là “Tắm theo tôn giáo”.Ban đầu, theo nền tôn giáo, các nhà tắm của Nhật Bản chỉ có ở trong các đền thờ. Các nhà tắm này được gọi là yuya (湯屋, nhà tắm), sau này người ta bắt đầu mở rộng phạm vi nhà tắm ra và được gọi là ōyuya (大湯屋, nhà tắm lớn ) .Thời ấy, những nhà tắm này chỉ dành cho các tăng sư. Ban đầu, người bệnh ít được tắm tại đây, nhưng đến thời Kamakura (1185 – 1333), người bệnh được ra vào tự do trong các nhà tắm.

  • Thời kì Kamamura

Nhà tắm công cộng đầu tiên tại Nhật Bản xuất hiện vào năm 1266 ở Nichiren Goshoroku(日蓮御書録) .Nhà tắm hỗn hợp nam – nữ này cũng gần tương tự như Sento hiện đại, có phòng thay đồ gọi là datsuijo (脱衣場) .Cửa ra vào chỉ cao khoảng 80cm để tránh thoát hơi nước. Trong các nhà tắm này có ít cửa sổ, lại cộng thêm lớp hơi nước dày khiến căn phòng trở nên tối hơn, và khách hàng cũng khó mà nhìn thấy nhau được.

  • Thời kì Edo

Vào đầu thời kì Edo (1603 – 1867), có hai loại bồn tắm khác nhau tại miền Đông và miền Tây Nhật Bản. Ở Edo (nay là Tokyo), nhà tắm có bể khá lớn được gọi là yuya .Ở Osaka, các phòng tắm chủ yếu là phòng tắm hơi, gọi là mishiburo, chỉ có các bể cạn.

Cuối thời kì Edo, thời Mạc Phủ Tokugaka (1603 – 1868) đã ra lệnh phân chia phòng tắm thành hai theo giới tính, để bảo đảm các tiêu chuẩn về đạo đức .Tuy nhiên, rất nhiều chủ sở hữu nhà tắm công cộng chỉ đơn giản dùng tấm ván mỏng phân đôi phòng tắm, tạo điều kiện thuận lợi cho những tên nhìn trộm bệnh hoạn. Các nhà tắm khác thì phân chia giờ giấc cho nam (nữ) tắm, hoặc chỉ cho phép một mình nam giới (hoặc nữ giới) đến tắm. Thế nhưng, dần về sau, đạo luật cấm tắm chung này dường như bị rơi vào quên lãng.

Có đóng góp vào sự phổ biến của nhà tắm công cộng ở thời kì Edo là nhà tắm có toàn nữ tiếp viên (yuna) .Các nữ tiếp viên này giúp các khách hàng kỳ lưng. Và sau giờ đóng cửa, một số nữ tiếp viên còn phục vụ “ngoài giờ từ A đến Z” để “thoả mãn nhu cầu” cho các khách hàng nam ( vâng, giải thích thêm cho bạn nào nói đến thế này rồi mà vẫn chưa biết: kiểu kiểu như một dạng mại dâm ấy ạ :”>). Tương tự, ở một số lầu xanh cũng có những phụ nữ chuyên tắm chung và kỳ lưng cho khách hàng.

Để phòng chống mại dâm, mạc phủ Tokugawa đã ban sắc lệnh chỉ cho phép mỗi nhà tắm có không quá 3 yuna phục vụ. Tuy nhiên, người ta vẫn phớt lờ đạo luật này, khiến Mạc phủ quyết định hoàn toàn cấm không cho các yuna phục vụ tại nhà tắm và một lần nữa ban hành đạo luật cấm tắm chung nam – nữ.

  • Thời kì Minh Trị (Meiji)

Trong thời kì Minh Trị (1867 – 1912), thiết kế tại các nhà tắm công cộng Nhật Bản có thay đổi đáng kể. Lối vào khu vực tắm được mở rộng bằng những cánh cửa kéo thông thường, bồn tắm được đặt thấp hơn sàn nhà một khoảng để khách hàng có thể dễ dàng bước vào hơn, và trần nhà tắm cao hơn gấp đôi trần nhà kiểu cũ. Nhà tắm bây giờ chú trọng chủ yếu vào tắm nước nóng hơn tắm hơi, và khu vực tắm cũng sáng sủa hơn nhiều. Điểm duy nhất khác biệt với nhà tắm hiện đại ngày nay là bồn tắm được làm bằng gỗ và có rất ít các vòi nước.

Một đạo lụât khác lại được ban hành vào năm 1890, chi cho phép trẻ em dưới 8 tuổi được theo cha mẹ vào phòng tắm khác giới tính với chúng.

  • Cải tiến

Đầu thời Taisho (1912 – 1926), sàn gạch dần dần thay thế sàn nhà bằng gỗ, và gạch cũng được ốp trên các bức tường nhà tắm. Ngày 1 tháng 9 năm 1923, một trận động đất lớn đã tàn phá Tokyo, khiến nhiều nhà tắm công cộng bị phá huỷ. Khi tái xây dựng lại những nhà tắm này, người ta đã thay đổi hoàn toàn sàn gỗ thành sàn gạch. Cuối thời Taisho, các vòi nước trở nên phổ biến. Người ta thường dùng loại vòi nước Karaan gồm hai vòi, một vòi nước nóng còn một vòi nước lạnh. Khách hàng tự sẽ pha sao cho vừa dùng.

  • Kỷ nguyên vàng

Trong chiến tranh thế giới lần thứ II ( với Nhật Bản là từ 1941 đến 1945), rất nhiều thành phố Nhật Bản bị đánh bom, trong đó khốc liệt nhất là Nagasaki và Hiroshima, nơi bị Mỹ đánh bom nguyên tử. Và hầu hết các nhà tắm cũng bị tàn phá theo những thành phố ấy. Vì thiếu những nhà tắm công cộng nên các nhà tắm tạm thời được xây dựng, thường không có mái. Hơn nữa, vì nhà cửa người dân đều bị tàn phá, nên nhu cầu tắm tại các nhà tắm công cộng ngày càng gia tăng. Năm 1965, nhiều Sento đã đưa thêm các vòi sen vào để thuận tiện hơn cho khách hàng. Và đến năm 1970, số lượng Sento ở Nhật Bản đã lên đến đỉnh điểm.

  • Giai đoạn thoái trào

Những phòng tắm tại gia ngày càng phổ biến vào khoảng năm 1970, và nhiều chung cư xây dựng đều có phòng tắm riêng trong mỗi căn hộ. Sự phổ biến ấy khiến cho số lượng khách đến với nhà tắm công cộng giảm đi đáng kể. Nhiều công dân Nhật Bản trẻ tuổi cảm thấy ngượng khi bị khoả thân tắm táp trước mặt người khác, họ không muốn đến các nhà tắm công cộng là vì vậy.

Trở lên trên
Nguồn: http://en.wikipedia.org
Người dịch: Dragonindigo – Vnsharing.net

Bình luận về bài viết này