[Wiki] Kokuhaku – Lời Thú Tội (2010 film)

Kokuhaku – Lời thú tội

Ảnh

Đạo diễn: Tetsuya Nakashima
Kịch bản Tetsuya Nakashima
Nguyên Tác: Kanae Minato
Diễn viên: Takako Matsu
Masaki Okada
Yoshino Kimura
Biên Tập: Yoshiyuki Koike
Hãng phát hành: Toho Company
Ngày công chiếu 5.6.2010
Quốc gia: Nhật Bản
Ngôn ngữ: Tiếng Nhật
Độ dài: 106 phút
Doanh thu phòng vé: $44 896 470

 

Confessions ( 告 白 Kokuhaku) là một bộ phim Nhật Bản sản xuất năm 2010 do Tetsuya Nakashima làm đạo diễn. Chuyện phim dựa trên nguyên tác là tiểu thuyết thuộc thể loại Mystery của tác giảKanae Minato xuất bản năm 2008 và thắng giải Honya Taisho vào năm 2009.

Cốt truyện

Yuko Moriguchi (Takako Matsu) – một cô giáo dạy cấp II – thông báo cho cả lớp rằng sau học kì này cô sẽ nghỉ dạy. Yuko giải thích rằng, trong lớp hiện tại có hai học sinh mà cô tạm gọi là “Học Sinh A” và “Học Sinh B”, đã sát hại đứa con gái mới lên ba của cô.

Cho dù có phát hiện được tội ác của chúng và báo cáo cho chính quyền thì cũng không có gì khác biệt ở đây, bởi chúng đều đang nằm dưới sự bảo vệ của Luật Thành Niên năm 1947. Theo Luật này, trẻ em dưới 14 tuổi sẽ không phải chịu bất kì trách nhiệm hình sự nào để trả giá cho những tội lỗi mình gây ra. Tuy vậy, Yuko thừa nhận rằng cô đã tiêm máu chứa HIV từ người chồng cô vào hộp sữa của hai tên hung thủ nhóc con kia. Cả lớp kinh hãi, hoảng loạn, thế nhưng sau đó kịp trấn tĩnh lại và đoán định được thân phận thật sự của “Học Sinh A” và “Học Sinh B”. Bọn chúng cũng không báo lại với người lớn về lời thú nhận kinh hoàng của Yuko Moriguchi.

Phần còn lại của bộ phim tập trung miêu tả những sự kiện diễn ra sau lời thú tội của Moriguchi, và lần lượt có những lời thú tội khác theo ngôi kể thứ nhất của Moriguchi và ba học sinh lớp cô.

Moriguchi chia sẻ rằng với căn bệnh HIV hoành hành nên thể trạng chồng cô ngày càng suy yếu thêm, do đó, cô quyết định dẫn con gái Manami (Mana Ashida) đến trường, nơi Manami có thể ngồi tự chơi trong phòng y tế trong khi Moriguchi có tiết phải lên lớp. Một ngày nọ, sau tiết dạy, cô trở lại phòng y tế tìm con và phát hiện cô bé không còn ở đó. Điên cuồng tìm con, cuối cùng, cô phát hiện xác con gái mình nổi lềnh bềnh trên hồ bơi của trường. Về sau cô gặp một học sinh, kẻ đã thừa nhận việc sát hại Manami, lại còn tỏ ra không chút hối hận về tội ác mình gây ra. Đau đớn đến tột cùng, Yuko bắt đầu tiến hành kế hoạch trả thù sau khi chồng cô qua đời trong vòng mấy tháng tiếp theo.

Naoki Shimomura (Kaoru Fujiwara), Học Sinh B, bắt đầu điên loạn, bởi nó nghĩ mình đã dính virus AIDS từ việc uống phải sữa có chứa máu nhiễm HIV. Mẹ nó (Yoshino Kimura), sau khi nhận ra ẩn sâu trong lời động viên Naoki đi học lại của bạn bè trong lớp là những lời chửi rủa cáo buộc tội lỗi tày trời của Naoki. Trải qua vô vàn giằng xé nội tâm, cuối cùng bà đã quyết định giết con rồi tự tử nhằm giải thoát cả hai khỏi sự đau khổ song rốt cuộc trong lúc giằng co, nó đã giết luôn mẹ nó và bị cảnh sát bắt giữ vì tội giết người.

Shuya Watanabe (Yukito Nishii)Học Sinh A, bộc bạch rằng mẹ nó ngay từ nhỏ đều kì vọng rất nhiều ở nó, những mong nó có thể thay bà hoàn thành tham vọng trở thành một nghiên cứu sinh thiên tài. Việc mẹ Shuya bỏ rơi nó sau khi li dị chồng khiến nó bắt đầu cố gắng hết sức nghiên cứu khoa học, tạo ra từ những phát minh nhỏ cho đến những loại máy kinh dị như ‘Máy hành quyết động vật’. Phát minh đầu tiên được công chúng đón nhận của nó, một túi tích điện chống móc túi, đã mang lại cho nó giải nhất trong một hội thi khoa học, tuy nhiên, thành tích ấy vẫn chưa đủ để nó được lên trang nhất của nhật báo hôm đó. Câu chuyện ghê rợn về một “Nữ Sinh Tâm Thần” đã chiếm vị trí ấy. Từ đó, nó nhận ra rằng, chỉ có bằng việc giết người thì nó mới có thể được xuất hiện trên trang nhất, và khiến mẹ nó chú ý.

Qua những mảnh kí ức rời rạc, ta thấy được sự tình như sau: Shuya đã tạo ra một thiết bị điện tử, lên kế hoạch giết người bằng điện, đồng thời lôi kéo Naoki cùng thực hiện kế hoạch này. Bọn chúng dụ Manami – con gái cô Moriguchi từ phòng y tế ra đến gần hồ bơi của trường. Thiết bị tự chế của Shuya chỉ đủ mạnh khiến cô bé ngất đi, điều này khiến nó vô cùng thất vọng rồi bỏ đi. Về phần Naoki, sau đó nó ném cô bé con vẫn còn đang bất tỉnh xuống hồ bơi, và đây chính là nguyên nhân tử vong của Manami.

Bọn bạn học bắt ép lớp trưởng Mizuki Kitahara (Ai Hashimoto) hôn Shuya chỉ vì cô không chịu hùa theo chúng nó bắt nạt Shuya. Mizuki sau đó chia sẻ với Shuya rằng cô tin Moriguchi đã nói dối về việc tiêm máu HIV vào hộp sữa và trên thực tế chắc cô chỉ muốn hai đứa chúng nó hối hận vì những gì mình đã làm. Sau một khoảng thời gian thân thiết với nhau, Mizuki đã tiết lộ với Shuya rằng cô còn một bản thể/ một tính cách khác, đó chính là “nữ sinh tâm thần” nổi tiếng kia, một kẻ giết người điên loạn đã pha trộn các loại thuốc khác nhau để đầu độc và giết cả gia đình mình. Hai đứa trẻ nhanh chóng thích nhau, tuy nhiên cuối cùng Shuya lại giết chết Mizuki bởi cô bé đã nói thẳng toẹt vào mặt nó rằng nó bị hội chứng Oedipus Complex (đại loại là hội chứng đứa con vô cùng yêu quý cha/mẹ khác giới với nó).

Shuya ghé qua trường đại học nơi mẹ nó làm việc và phát hiện bà vừa mới tái hôn. Tin rằng bà đã hoàn toàn quên lãng mình, nó đặt một quả bom tự chế trong phòng thể thao của trường – nơi mà chỉ ngày hôm sau thôi, nó sẽ đứng trước toàn trường đọc diễn văn bế giảng. Theo ý định ban đầu, sau khi đọc xong diễn văn, Shuya sẽ kích hoạt quả bom bằng điện thoại di động của mình, và rồi, mọi thứ sẽ chìm vào trong cát bụi. Thế nhưng, khi cái thời điểm ấy đến, lạ làm sao, chẳng có chuyện gì xảy ra cả… Shuya nhận được một cuộc gọi từ cô Moriguchi, nói rằng cô đã tháo rời quả bom và chuyển thẳng đến… văn phòng mẹ Shuya. Cô chế nhạo Shuya, làm nó phát điên và tưởng tượng ra cảnh bản thân nó chạy như bay đến trường đại học chứng thực xem có phải vậy không. Khi Shuya chạy lên cầu thang dẫn đến văn phòng mẹ nó thì cũng là lúc mọi thứ phát nổ.

Moriguchi tiến tới gần Shuya, nó đang gục xuống giữa hội trường, khóc lóc. Cô giải thích rằng đó là sự trả thù cô dành cho nó, song cũng đồng thời là lúc cô cứu rỗi tâm hồn nó. Ngay khi Shuya thấy nhẹ lòng và dường như sắp tin vào sự đảm bảo trong lời nói của cô giáo, Moriguchi cười khúc khích và nói “Đùa thôi mà”, bắt chước y chang những lời nó đã từng nói sau khi giả vờ như đã hối hận về việc sát hại con gái cô vậy.

Dàn diễn viên
 

Takako Matsu trong vai Yuko Moriguchi

 

 

Masaki Okada trong vai Yoshiteru Terada

 

 

Yoshino Kimura trong vai mẹ của Naoki

 

 

Mana Ashida trong vai Manami Moriguchi

 

 

Yukito Nishii trong vai Shuya Watanabe

 

 

Kaoru Fujiwara trong vai Naoki Shimomura

 

 

Ai Hashimoto trong vai Mizuki Kitahara

 

 

Makiya Yamaguchi trong vai Masayoshi Sakuranomiya

 

Sự đón nhận

Ngay sau khi bộ phim bắt đầu chính thức công chiếu ở 266 rạp chiếu phim, nó đã mang về cho nhà sản xuất 269 835 200 Yen với tổng cộng 194 893 lượt xem, phá vỡ kỉ lục trước đó của I Give My First Love to You. Phim tiếp tục gặt hái nhiều thành công về mặt doanh thu và trở thành phim có doanh thu cao nhất trong bốn tuần liên tiếp của tháng 6 tại Nhật Bản, kiếm được 3 tỉ rưỡi yen sau 8 tuần công chiếu và cuối cùng, thu về tổng cộng 3 tỉ 850 ngàn yen Nhật, đứng thứ bảy trong bảng xếp hạng phim Nhật có doanh thu cao nhất năm 2010.

Bộ phim nhận được những phản hồi vô cùng tích cực từ các nhà phê bình trên khắp thế giới, có nhiều mặt được đánh giá cao như việc chuyển thể tốt và trung thực từ cuốn tiểu thuyết nguyên gốc, phong cách đạo diễn, và cả phần diễn xuất, đặc biệt là diễn xuất của những diễn viên nhí. Phim nắm giữ 80% điểm ‘tươi sống’ trên trang web Rotten Tomatoes.. Một trong những bài phê bình mang tính chỉ trích Kokuhaku nổi trội nhất là của Mark Kermode, người cho rằng phong cách của bộ phim khiến nó ‘hầu như không thể thoát ra khỏi một mức độ xúc cảm’. 

Giải thưởng và đề cử

Phim được lựa chọn như một ứng cử viên của Nhật Bản tranh giải Best Foreign Language Film (Phim nước ngoài xuất sắc nhất) trong Lễ Trao Giải Thưởng Viện Hàn Lâm (giải Oscar) lần thứ 83. THáng 1 năm 2011, phim chính thức được đưa vào danh sách đề cử, vượt qua cả Aftershock (Đường Sơn Đại Địa Chấn) đến từ Trung Quốc. Trong phạm vi Nhật Bản, phim thắng giải Phim Hay Nhất và Nữ Diễn Viên Phụ Xuất Sắc Nhất trong Lễ Trao Giải Blue Ribbon lần thứ 53, đâ là một trong những giải thưởng danh giá nhất trong giới điện ảnh xứ sở mặt trời mọc. Sau đó, nó tiếp tục gặt hái thành công trong các hạng mục Phim Hay Nhất, Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất, Kịch Bản Xuất Sắc Nhất và Biên Tập Xuất Sắc Nhất tại Lễ Trao Giải Thưởng Hàn Lâm Nhật Bản lần thứ 34. Ngoài ra, phim còn nhận 6 đề cử trong Liên Hoan Phim Á Châu lần 5, là một trong hai phim nhận được nhiều đề cử nhất năm đó (Cùng với Let the Bullets Fly).

Trong tháng 4, phim thắng giải Phim Châu Á Hay Nhất (giải này cũng tương tự như Phim Nước Ngoài Xuất Sắc Nhất, tuy nhiên chỉ xét những phim đã được công chiếu tại HỒng Kông mà thôi) tại Liên Hoan Phim Hồng Kông lần thứ 30. Bắt đầu từ kì liên hoan thứ 31, hạng mục Phim Châu Á Hay Nhất đã bị thay thế bởi một hạng mục mới là Phim Hay Nhất của Đại Lục và Đài Loan, có nghĩa là chỉ có phim do Trung Quốc và Đài Loan làm mới được tham gia tranh cử. Do đó, Kokuhaku là bộ phim cuồi cùng được nhận giải Phim Châu Á Hay Nhất trong liên hoan phim này.

~~~~~~~~~~~~~
Đăng ngày 3.4.2013

Bình luận về bài viết này